AWS Series

AWS Sec 1: Vỡ lòng Cloud Computing với các khái niệm cơ bản

aws_huongnq.id_.vn

AWS (Amazon Web Services) là một trong những nền tảng điện toán đám mây lớn nhất và phổ biến nhất hiện nay. Trong buổi học đầu tiên về AWS, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một số khái niệm cơ bản liên quan đến cloud computing, các mô hình dịch vụ phổ biến như IaaS, PaaS, SaaS, cũng như các yếu tố kỹ thuật quan trọng như AWS Region, Availability Zones (AZs)Point of Presence (PoP).

1. Cloud Computing là gì?

Cloud Computing (Điện toán đám mây) là công nghệ cho phép người dùng truy cập tài nguyên tính toán như máy chủ, lưu trữ, mạng, cơ sở dữ liệu và các dịch vụ khác qua Internet, thay vì phải đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng vật lý. Cloud Computing mang lại nhiều lợi ích, bao gồm:

  • Cost flexibility: Bạn chỉ trả tiền cho những tài nguyên mà bạn sử dụng.
  • Scalability: Cloud giúp bạn dễ dàng mở rộng tài nguyên khi nhu cầu tăng lên chỉ với một nút enable config thay vì tự mua máy/linh kiện để lắp thêm.
  • Mobility: Người dùng có thể truy cập tài nguyên từ bất kỳ đâu có Internet.
  • High security: Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây như AWS cung cấp cơ sở hạ tầng bảo mật mạnh mẽ với đội ngũ hacker siêu cấp pro và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật quốc tế.

2. Các hình thức Cloud Computing: IaaS, PaaS, SaaS

Trong cloud computing, có ba mô hình dịch vụ chính:

2.1 Infrastructure as a Service (IaaS)

IaaS cung cấp cơ sở hạ tầng phần cứng ảo hóa như máy chủ, lưu trữ, và mạng thông qua Internet. Với IaaS, bạn có toàn quyền kiểm soát hệ điều hành và ứng dụng của mình, nhưng không cần phải lo lắng về việc mua sắm, quản lý phần cứng.

Ví dụ về dịch vụ IaaS của AWS là EC2 (Elastic Compute Cloud), ngoài ra có các bên để thuê VPS rẻ hơn AWS rất nhiều như DigitalOcean, OVH (blog này đang chạy trên con VPS 2GiB ram thuê của OVH với 4$ 1 tháng) …

2.2 Platform as a Service (PaaS)

PaaS cung cấp nền tảng phát triển ứng dụng mà không cần quan tâm đến việc quản lý cơ sở hạ tầng. PaaS giúp các nhà phát triển tập trung vào phát triển và triển khai ứng dụng nhanh chóng, mà không phải lo lắng về phần cứng hoặc hệ điều hành. Một ví dụ phổ biến của PaaS là AWS Elastic Beanstalk.

2.3 Software as a Service (SaaS)

SaaS cung cấp các ứng dụng phần mềm qua Internet. Người dùng có thể truy cập các ứng dụng này thông qua trình duyệt mà không cần cài đặt hay bảo trì.

Ví dụ, các dịch vụ như Google Drive, Dropbox, và Salesforce đều là các ứng dụng SaaS.

3. AWS Region và cách lựa chọn Region phù hợp

AWS Region là một khu vực địa lý nơi Amazon đặt các trung tâm dữ liệu của mình. Mỗi Region bao gồm nhiều trung tâm dữ liệu riêng biệt để đảm bảo tính sẵn sàng và độ tin cậy cao. Khi lựa chọn Region, bạn cần cân nhắc các yếu tố sau:

  • Độ trễ (latency): Việc chọn region ảnh hưởng lớn đến chất lượng, tốc độ đường truyền của dịch vụ. Bạn nên chọn Singapore hoặc Hong Kong nếu sử dụng để serving các dịch vụ cho thị trường Việt Nam.
  • Tuân thủ quy định (compliance): Một số quốc gia có quy định về việc lưu trữ dữ liệu trong phạm vi lãnh thổ của mình, vì vậy khi triển khai các hệ thống có yêu cầu về tuân thủ luật pháp như tài chính, thương mại điện tử, hành chính công v.v thì cần chú ý các quy định để lựa chọn region phù hợp
  • Chi phí: Mỗi Region có thể có giá dịch vụ khác nhau. Thường thì các Region ở Mỹ sẽ có giá mềm hơn như US East, US West, và cũng khá xu là region Singapore – là region có chất lượng đường truyền tốt nhất cho mạng của Việt Nam thì lại có giá đắt hơn kha khá so với các region bên trên.
  • Service có sẵn: Ngoài ra, có nhiều service chỉ có ở một số region, ví dụ tại thời điểm bài viết này, Amazon Braket – nền tảng điện toán lượng tử của AWS, chỉ có mặt ở một số ít region bên Mẽo chú không có ở các region thuộc khu vực châu Á.

4. Availability Zone (AZ) là gì?

Mỗi AWS Region có ít nhất 3 Availability Zone (AZ), nhiều nhất là 6 AZ. Một AZ là một trung tâm dữ liệu riêng biệt, cách biệt với các AZ khác về mặt vật lý để đảm bảo nếu một AZ gặp sự cố thì các AZ khác không bị ảnh hưởng. Điều này giúp tăng tính sẵn sàng của hệ thống và giảm thiểu thời gian chết.

Khi triển khai dịch vụ trên AWS, bạn nên phân phối tài nguyên của mình qua nhiều AZ để tăng khả năng chịu lỗi.

5. Point of Presence (PoP)

Point of Presence (PoP) là các vị trí mạng toàn cầu của AWS, nơi AWS triển khai các dịch vụ Amazon CloudFrontAmazon Route 53. Các PoP được sử dụng để:

  • Phân phối nội dung: PoP giúp đẩy nhanh tốc độ tải nội dung từ máy chủ gốc đến người dùng thông qua mạng phân phối nội dung (CDN).
  • Cải thiện hiệu suất: Khi có nhiều người dùng truy cập nội dung từ nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới, PoP giúp giảm thời gian phản hồi và tăng hiệu suất truy cập.

Ví dụ, nếu bạn có một trang web với user trải dài trên toàn thế giới, từ Mẽo đến Phi thì CloudFront sẽ giúp phân phối nội dung nhanh hơn thông qua các PoP gần người dùng nhất. Còn CloudFont là gì? Sử dụng nó như thế nào?

Điều này hồi sau sẽ rõ!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *